Mùa Vu Lan – mùa báo hiếu đã đến, không khí trang nghiêm bao trùm khắp nơi, đặc biệt là tại những ngôi chùa cổ kính. Hà Nội, với bề dày lịch sử và văn hóa, sở hữu nhiều ngôi chùa linh thiêng, thu hút đông đảo Phật tử và du khách thập phương. Hãy cùng khám phá 5 ngôi chùa nổi tiếng nhất Hà Nội để có một hành trình tri ân ý nghĩa trong mùa Vu Lan này nhé!


1. Chùa Trấn Quốc


Nằm trên đường Thanh Niên, ven hồ Tây, chùa Trấn Quốc là ngôi chùa cổ nhất Hà Nội và từng được bình chọn là một trong 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới. Chùa có niên đại khoảng 1.500 năm, được dựng từ thời Tiền Lý (Lý Nam Đế, 541-547). Với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, chùa Trấn Quốc không chỉ là một công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa và tôn giáo mà còn là biểu tượng của sự trường tồn, sự yên bình giữa lòng thành phố nhộn nhịp.

Những ngày này, không gian chùa vang vọng tiếng tụng kinh của các nhà sư, tạo nên một bầu không khí trang nghiêm, thanh tịnh. Bên trong khuôn viên, hàng trăm phật tử từ khắp nơi đổ về để lễ bái, cầu nguyện cho sự an lành và sức khỏe. Lễ cầu siêu phả độ cho các gia đình do chùa tổ chức hằng năm là một sự kiện quan trọng, diễn ra vào ngày 8.8 (tức 8.7 âm lịch). Đây là dịp để người dân tưởng nhớ đến những người đã khuất, cầu nguyện cho linh hồn người thân được siêu thoát, bình an.

Đặc biệt, vào mùa Vu Lan báo hiếu, chùa Trấn Quốc là điểm đến lý tưởng để du khách và phật tử cầu chúc sức khỏe, bình an cho cha mẹ. Vào ngày Rằm tháng Bảy, tại chùa diễn ra các buổi tụng kinh và giảng pháp từ 14h, thu hút rất nhiều du khách đến tham dự. Du khách du lịch Hà Nội mùa này có thể lưu tâm ghé qua để chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa và trải nghiệm văn hóa, tâm linh đặc sắc của đất Thăng Long, cũng như dành những lời cầu nguyện tốt đẹp nhất cho cha mẹ trong mùa Vu Lan báo hiếu.

2. Chùa Kim Liên


Chùa Kim Liên nằm yên bình tại làng Nghi Tàm, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đây là một trong những ngôi chùa cổ kính nhất của Thủ đô, nổi tiếng với những pho tượng quý giá và được chạm khắc tinh xảo như tượng Phật, tượng Bồ Tát, Công chúa Từ Hoa, và bức tượng Quan Âm Nam Hải 42 tay, cao 1,2m trên tòa sen gỗ hình lục lăng. Điểm đặc biệt tại chùa là tấm bia đá đen lớn, có niên hiệu Thái Hòa tam niên Ất Sửu (1445), thời vua Lê Nhân Tông, nằm dưới bóng cây si cổ thụ.

Mỗi dịp Vu Lan báo hiếu, chùa Kim Liên lại đón nhận dòng người đổ về cầu nguyện cho cha mẹ sức khỏe và bình an. Lễ Vu Lan tại chùa luôn mang đến một không gian trang nghiêm, trầm lắng với tiếng tụng kinh và giảng pháp, giúp phật tử và du khách tịnh tâm, tìm về sự an nhiên trong lòng. Những buổi lễ cầu siêu và tụng kinh không chỉ thể hiện lòng hiếu thảo mà còn là dịp để mọi người kết nối với tâm linh, tìm lại sự thanh thản và an lành.

Trong hành trình du lịch mùa Vu Lan báo hiếu tại Hà Nội, du khách hãy dành thời gian ghé thăm chùa Kim Liên để cảm nhận không khí linh thiêng và cầu nguyện cho cha mẹ thật nhiều sức khỏe và niềm vui.
 

3. Chùa Quán Sứ


Chùa Quán Sứ, tọa lạc tại số 73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, được xây dựng vào thế kỷ 15 dưới thời vua Lê Thế Tông. Hiện nay, chùa là trụ sở của Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam. 

Chùa Quán Sứ không chỉ mang giá trị tâm linh và lịch sử lâu đời, mà còn đặc biệt bởi việc sử dụng chữ quốc ngữ để viết tên và hầu hết các câu đối trong chùa. Vào mỗi dịp lễ Vu Lan, rằm, mùng 1 hay lễ Tết, ngôi chùa luôn tấp nập người đến tham quan và nhang khói cầu nguyện.

Nhân dịp Vu Lan báo hiếu, du khách có thể ghé thăm chùa Quán Sứ để cầu chúc cho cha mẹ sức khỏe và bình an. Không gian trang nghiêm và linh thiêng của chùa chắc chắn sẽ mang lại cảm giác thanh tịnh và an lành cho những ai ghé thăm chùa Quán Sứ. 
 

4. Chùa Hương



Ngoài ra, du khách thập phương tới Hà Nội không thể bỏ lỡ Chùa Hương - một trong những điểm đến tâm linh thiêng liêng nhất đất Hà Thành. Hình thành từ thế kỷ 15, Chùa Hương đã trải qua bao thăng trầm của thời đại, trở thành nét đẹp thiêng liêng của lịch sử mà bao đời nay những cây viết kì cựu vẫn thường ngợi ca sâu sắc. 

Dọc theo bờ sông Đáy, du khách sẽ được ngắm nhìn toàn cảnh các công trình kiến trúc Chùa Hương rải rác trên thung lũng suối Yến, với rất nhiều ngôi chùa thờ Phật, các đình, đền thờ thần - nay được gọi là Chùa Trong và Chùa Ngoài để phân định vị trí địa lý. 

Du khách nô nức về đây, dâng hương lễ Phật, cầu chúc cho sức khỏe và bình an của gia đình, đồng thời được tham gia trải nghiệm các hoạt động văn hóa được tổ chức thường niên như chèo thuyền, nghe hát chèo, hát văn,... Bởi vậy, bao giờ khi nhắc nhớ Mùa Vu Lan ở Hà Nội, du khách cùng gia đình cũng mong đợi đi “trẩy hội Chùa Hương”, không chỉ để cầu cho sức khỏe cha mẹ, mà còn là nơi thăm quan, giao lưu văn hóa ý nghĩa cùng những người thân yêu. 
 

5.Chùa Phúc Khánh



Nếu như du khách muốn tìm đến chốn linh thiêng an tĩnh ngay giữa lòng đô thị, thì Chùa Phúc Khánh, hay chùa Thịnh Quang chính là điểm đến linh thiêng du khách nên lưu tâm trong mùa Vu Lan sắp tới. 

Nằm ngay tại nút giao Ngã tư Sở, đường đến chùa Phúc Khánh bằng phẳng và dễ đi, thuận tiện cho khách thập phương ghé thăm. Tọa lạc giữa thủ đô phát triển là vậy, nhưng chùa Phúc Khánh bao đời nay vẫn lưu giữ được nét xưa cũ, trầm lắng và bình yên. Nơi đây đã qua nhiều lần trùng tu trong lịch sử, nhưng những giá trị văn hóa thiêng liêng vẫn còn nguyên trong sử tích.

Chùa Phúc Khánh đã chứng kiến sự chuyển mình của dân tộc ta từ đời nhà Trần, qua rất nhiều thời đoạn của lịch sử, trở thành điểm tựa tâm linh quý giá của dân tộc, xứng danh là một Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Bởi vậy, không chỉ người dân Hà Nội, mà hằng năm, vào những ngày Rằm quan trọng, nơi đây lại đông đúc Phật tử lui tới ghé thăm, kính dâng hương cầu xin cho gia đạo bình an, sức khỏe dồi dào. Nếu ghé vào Hà Nội vào ngày Rằm Tháng 7, du khách hãy dành thời gian cùng gia đình, ghé thăm chùa Phúc Khánh. 

 
 


 

Bài viết liên quan