1. Làng nghề ở Hà Nội - Điểm nhấn văn hóa đặc sắc của Thủ đô
Vốn nổi tiếng là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, Hà Nội đã trải qua 1000 năm văn hiến, trở thành trung tâm văn hóa hàng đầu Việt Nam với nhiều di tích văn hóa vật thể và phi vật thể, thu hút nhiều khách du lịch cả trong và ngoài nước.
Ngoài những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, các địa điểm giao lưu văn hóa - giải trí hiện đại, du lịch Hà Nội còn phát triển nhờ các làng nghề truyền thống được gìn giữ qua hàng trăm năm lịch sử.
Mỗi làng nghề đều mang một giá trị văn hóa đặc trưng, góp phần tạo nên bề dày văn hóa của Thủ Đô Hà Nội. Trường tồn qua hàng trăm năm lịch sự với nhiều thăng trầm đổi thay của thời cuộc, các làng nghề truyền thống vẫn trường tồn và tiếp tục phát triển cho tới ngày nay. Đời truyền đời, các nghệ nhân làng nghề vẫn miệt mài lao động, gắn bó với nghề để tiếp tục dựng xây không chỉ giá trị văn hóa, mà còn mang tới giá trị kinh tế cho Thủ Đô Hà Nội.
2. Hà Nội có bao nhiêu làng nghề?
Cho tới nay, Hà Nội có 1350 làng nghề và làng có nghề hoạt động tại Hà Nội, trong đó, 318 làng nghề truyền thống được công nhận và nhiều làng nghề trong đó được đầu tư, tu sửa để đón khách du lịch tham quan.
Nổi bật nhất phải kể đến tên: Làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, làng mây tre đan Phú Vinh, làng nghề sơn mài Hạ Thái…
3. Điểm tên các làng nghề truyền thống ở Hà Nội khu vực nội thành
Du lịch ở nội thành Hà Nội, các bạn đừng quên ghé thăm các làng nghề nổi tiếng dưới đây!
Làng lụa Vạn Phúc - Làng nghề ở Hà Nội nổi tiếng với khách du lịch
Làng nghề lụa Vạn Phúc (Ảnh: Sưu tầm )
Làng lụa Vạn Phúc Hà Đông là 1 trong những làng nghề dệt lụa nổi tiếng bậc nhất Việt Nam. Đây là làng nghề dệt lụa truyền thống đã được công nhận là kỷ lục “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn còn duy trì hoạt động đến ngày nay” do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã trao tặng. Làng nghề này được xem là biểu tượng của đất Hà Đông và là niềm tự hào của người dân Hà thành.
Hiện nay, lụa Vạn Phúc đang đi đầu trong ngành dệt Việt Nam. Tơ lụa Vạn Phúc luôn được đánh giá là đẹp bền. Bởi hoa văn trên lụa đa dạng, trang trí cân xứng, đường nét thanh thoát, giản đơn mang đến sự dứt khoát, phóng khoáng cho người xem. Lụa Vạn Phúc được sử dụng để may áo yếm, làm khăn, may áo dài hay làm quà tặng. Không chỉ nổi tiếng với nghề làm lụa truyền thống, đây còn là nơi check in được giới trẻ cực kỳ yêu thích.
Địa chỉ: phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội
Làng nghề Hà Nội - Làng đúc đồng Ngũ Xã
Nghệ nhân hoàn thiện công trình thủ công tại Làng nghề Đúc Đông (Ảnh: Sưu tầm)
Được hình thành từ thế kỷ XVII, Làng nghề Đúc đồng truyền thống Ngũ Xã được coi là một trong bốn nghề tinh hoa bậc nhất của Kinh thành Thăng Long – Hà Nội.
Trong suốt chiều dài gần 500 năm lịch sử, làng nghề đúc đồng truyền thống ngũ xã đã đóng góp được một số công trình thủ công mỹ nghệ. Trong đó, có thể kể đến các tác phẩm tiêu biểu như: Pho tượng Đức Phật A Di Đà nặng 14 tấn tại chùa Ngũ Xã, Tượng Đức Liên Hoa cao 1m8 đặt tại Mandala Tây Thiên hay tượng Đức Huyền Thiên Trấn Vũ được đặt tại chùa Quán Thánh và vô vàn các công trình có mặt trong các điểm tâm linh toàn quốc.
Với bàn tay tỉ mỉ khéo léo, đôi mắt tinh tường và khối óc sáng tạo, nghệ nhân nơi đây đã làm nên những tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ , không chỉ mang đến giá trị kinh tế mà còn góp phần duy trì giá trị tinh thần trong đời sống người Việt Nam, từ đời sống tâm linh tới văn hóa nhớ về nguồn cội.
Địa chỉ: Phố Ngũ Xã, quận Ba Đình, Hà Nội
Làng nghề kim hoàn Định Công - Niềm tự hào của người Hà Nội
Thợ bạc tỉ mỉ thiết kế hình dáng trang sức đấu bạc (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam)
Là một trong bốn nghề tinh hoa nhất đất Thăng Long - “Lĩnh Hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”, làng nghề kim hoàn Định Công là niềm tự hào của người dân Hà Nội và một trong những điểm tham quan được nhiều du khách quốc tế quan tâm.
Khách tới đây không chỉ để tham quan, chiêm ngưỡng mà còn để chọn mua những món quà mang về, bởi các sản phẩm đậu bạc tại đây đều mang vẻ đẹp rất riêng, không pha tạp. Các nghệ nhân truyền đời đều phải nắm chắc 4 kỹ thuật: Trơn, đấu, đậu, chạm trước khi hành nghề để có thể mang lại những sản phẩm thủ công đẹp tới từng chi tiết. Từng họa tiết nhỏ trong sản phẩm như cánh hoa, cánh bướm, động vật đều được các thợ kim hoàn kéo, hàn bằng tay, không dùng tới máy móc. Bởi vậy, mọi sản phẩm mang vẻ hài hòa, nhưng sống động, mang lại cảm giác quý phái cho người sử dụng.
Địa chỉ: Phường Định Công, Quận Hoàng Mai, Hà Nội
4. Các làng nghề truyền thống ở Hà Nội khu vực ngoại thành
Dưới đây là danh sách một số làng nghề truyền thống ở Hà Nội nằm ở khu vực ngoại thành mà các bạn có thể tham quan, khám phá!
Làng gốm Bát Tràng - Làng nghề truyền thống ở Hà Nội nổi tiếng nhất
Bảo tàng Làng gốm Bát Tràng (Ảnh: Tạp chí Kiến trúc)
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 14km, làng gốm Bát Tràng là một trong những địa điểm du lịch vô cùng nổi tiếng và là điểm “check-in” siêu hot của giới trẻ. Bởi, với sự đầu tư phát triển, hiện nay làng nghề đã sở hữu bảo tàng làng gốm Bát Tràng với kiến trúc vô cùng độc đáo với 7 xoáy ốc khổng lồ đấu với nhau - được tạo nên dựa trên ý tưởng bàn xoay vuốt gốm với những mặt cong uốn lượn. Với cách bài trí lạ mắt, bảo tàng đưa người tham quan đi qua các không gian nghệ thuật dọc theo chiều dài lịch sử của làng gốm, mang đến trải nghiệm tham quan thú vị cho du khách
Ngoài ra, khi đến đây, du khách có thể mua nhiều sản phẩm về làm quà như: bình hoa, ấm chén, chuông gió… Cùng với đó, bạn có thể tự tay làm đồ gốm riêng cho mình.
Địa chỉ: Xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội
Làng mây tre đan Phú Vinh - Một trong các làng nghề nổi tiếng ở Hà Nội
Làng nghề mây tre đan Phú Vinh (Ảnh : Sở du lịch Hà Nội)
Nếu nhắc đến các làng nghề truyền thống ở Hà Nội, du khách chắc chắn không thể bỏ qua làng mây tre đan Phú Vinh. Đến đây, du khách sẽ cảm nhận ngay không khí tấp nập và nhộn nhịp của làng quê đầy sức sống.
Hầu như mỗi gia đình trong làng đều theo nghề mây tre đan, với sản phẩm đa dạng từ rổ, rá, túi xách, lọ hoa cho đến giường, tủ, bàn ghế. Những nan tre đơn sơ qua bàn tay khéo léo của người thợ đã biến thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và bắt mắt.
Địa chỉ: Gò Đậu, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội
Làng hương Quảng Phú Cầu - Vẻ đẹp cổ kính của Bắc Bộ
Làng hương Quảng Phú Cầu là địa điểm "check-in" với giới trẻ Hà Thành (Ảnh: Sưu tầm)
Dù đã tồn tại hơn 100 năm, làng hương Quảng Phú Cầu vẫn giữ được nét đẹp cổ kính của làng quê Bắc Bộ. Nơi đây không chỉ là nguồn cung cấp tăm hương chủ yếu cho các tỉnh phía Bắc, mà còn là địa điểm sống ảo cực chất.
Đến đây, du khách sẽ ấn tượng bởi hình ảnh các chân hương đỏ rực xếp thành từng bó dọc theo con đường làng. Chúng nở rộ như những bông hoa tươi thắm, mang đến khung cảnh đặc biệt khó quên.
Địa chỉ: Xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội
Làng chuồn chuồn tre Thạch Xá - Nơi tạo nên ký ức tuổi thơ
Các sản phẩm chuồn chuồn tre truyền thống gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ (Ảnh: Sưu tầm)
Làng Thạch Xá không chỉ nổi tiếng với chè Lam, mà còn được biết đến với nghề làm chuồn chuồn tre. Cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km, đây là nơi sản sinh ra những món quà tuổi thơ gắn liền với hình ảnh con chuồn chuồn.
Du khách khi đến đây sẽ được chiêm ngưỡng những con chuồn chuồn mộc mạc, dân dã làm từ tre. Sản phẩm có đủ kích thước, giá cả phải chăng, chỉ từ 3.000 – 10.000 đồng.
Địa chỉ: Dưới chân núi Tây Phương, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội
Làng rối nước Đào Thục - Làng nghề hơn 300 năm tuổi
Làng Rối Nước Đào Thục là điểm đến cuối tuần của nhiều gia đình (Ảnh: Sưu tầm)
Một làng nghề nổi tiếng khác ở Hà Nội không thể bỏ qua là làng rối nước Đào Thục. Đây là nơi lưu giữ nghệ thuật múa rối nước cổ truyền với lịch sử hơn 300 năm.
Du khách đến đây không chỉ có cơ hội tìm hiểu về lịch sử làng nghề mà còn được thưởng thức những tiết mục múa rối nước đặc sắc. Điều đáng chú ý là các con rối đều được chính tay các nghệ nhân làng Đào Thục tạo ra.
Địa chỉ: Xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội
Làng nón Chuông - Địa điểm không thể bỏ qua
Nghệ nhân làng nón Chuông xếp từng chiếc nón ngay ngắn (Ảnh: Sưu tầm)
Làng Chuông, nằm bên dòng sông Đáy yên bình, là quê hương của những chiếc nón quai thao truyền thống. Đến thăm làng nghề, du khách sẽ được chiêm ngưỡng và chọn mua những chiếc nón đa dạng về mẫu mã, từ nón tơi, nón chóp dứa đến nón quai thao.
Đặc biệt, chợ làng Chuông vẫn giữ truyền thống họp vào các ngày cố định trong tháng. Đây là dịp để du khách tìm kiếm những chiếc nón độc đáo làm quà cho người thân.
Địa chỉ: Đường Làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội
Làng nhạc cụ Đào Xá - Nơi gìn giữ âm hưởng dân tộc
Buổi triển lãm nhạc cụ dân tộc được ra đời từ bàn tay nghệ nhân làng Đào Xá (Ảnh: Sưu tầm)
Làng Đào Xá nổi tiếng với các sản phẩm nhạc cụ dân tộc. Điều thú vị là dù không có kiến thức âm nhạc chuyên sâu, các nghệ nhân tại đây vẫn tạo ra những cây đàn với âm thanh hoàn hảo.
Từ đàn bầu, đàn nguyệt cho đến sáo, nhị, các sản phẩm ở đây đều phong phú và tinh xảo. Du khách khi đến làng nghề Đào Xá sẽ được lắng nghe những giai điệu truyền thống từ những nhạc cụ do chính tay nghệ nhân chế tác.
Địa chỉ: Làng Đào Xá, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội